Nhân rộng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả
Thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương khi ra đời những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là khu vực Đông Nam Bộ. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dần được hình thành, giúp các dự án khởi nghiệp (startup) phát triển nhưng cần sự kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa các nguồn lực, ngành, địa phương để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển bền vững, có chiều sâu.
Mô hình hiệu quả từ TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh là một địa phương đi đầu trong phong trào hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp như: Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 hay Kế hoạch hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh… Phong trào khởi nghiệp đạt được nhiều kết quả khả quan như: Phát triển hạ tầng vườn ươm doanh nghiệp, kết nối nguồn lực, phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, ý tưởng kinh doanh.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tham quan các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Một điển hình nổi bật nhất trong phong trào khởi nghiệp của thành phố phải kể đến mô hình Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh (Sihub), đủ điều kiện để hỗ trợ thành lập và hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây được xem là mô hình thành công về thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thành phố. Là một thành quả từ Sihub, Công ty TNHH Công nghệ Vihat đang phát triển vượt bậc với thế mạnh về công nghệ phần mềm. Trong đó, nổi bật là phần mềm TeraApp giúp quản lý và chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho ươm tạo và phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế, xã hội. Riêng năm 2017, hoạt động hỗ trợ hình thành và hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố được triển khai tích cực với hơn 600 startup. Đây là những kinh nghiệm, cách làm hay cần được nhân rộng để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ và ở các địa phương lân cận thành phố.
Chủ động liên kết, khởi nghiệp phải đổi mới, sáng tạo
Khu vực Đông Nam Bộ hiện có 8 vườn ươm khởi nghiệp, ba tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 16 khu làm việc tập trung. Trong đó, tập trung nhiều nhất là tại TP Hồ Chí Minh. Hoạt động khởi nghiệp tại Đông Nam Bộ bắt đầu phát triển nhưng chưa có sự đồng đều, thiếu sự gắn kết giữa các địa phương. Một số địa phương như: Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… cũng đã xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhưng chưa có chiều sâu, gặp không ít khó khăn khi hoạt động khởi nghiệp còn mang tính lồng ghép, chưa thật sự có tác động lớn đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, công nghệ, thông tin về thị trường.
Thực tế, khu vực Đông Nam Bộ hội tụ đầy đủ các điều kiện, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp công nghệ cao, điện tử, tin học… sẽ là môi trường có thể đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều sự kiện, chương trình về khởi nghiệp đã được tổ chức nhằm mục đích liên kết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp như: Ngày hội khởi nghiệp, Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, Tuần lễ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… góp phần đẩy mạnh các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các địa phương trong khu vực.
PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh gợi mở cách thức thực hiện việc tạo lập và xây dựng hệ sinh thái tại các địa phương phải chú trọng yếu tố cốt lõi là con người và yếu tố cung cầu. Nhiều dự án khởi nghiệp không thể triển khai thành công do thiếu thị trường đầu ra hoặc không thu hút được nhà đầu tư. Kết nối cung và cầu trong khởi nghiệp là bài toán cần có đáp số để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển bền vững. Kinh nghiệm tại Khu công nghệ phần mềm cho thấy, đơn vị đã tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để hỗ trợ các địa phương. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng Khu công nghệ phần mềm trở thành cụm khởi nghiệp sáng tạo năng động, nòng cốt của khu đô thị thông minh tại cửa ngõ Đông Bắc TP Hồ Chí Minh.
Tin khác đã đăng
- Quỹ ESP Capital muốn tăng vốn đầu tư cho startup Việt 17-04-2018 AM
- Sức bật thị trường cho start-up Việt trong thời kỳ 4.0 16-04-2018 PM
- Đổi thay chính sách để đón “sóng startup” 27-02-2018 AM
- Khởi nghiệp F&B: Cẩn trọng từ những “viên gạch” đầu tiên 06-11-2017 AM
- Sinh viên Lâm nghiệp tranh tài khởi nghiệp 06-11-2017 AM