Dự án khởi nghiệp của hai sinh viên Huế giúp nông dân… thông thái
Dự án “Nông nghiệp trực tuyến, đa dạng hóa phương thức mua bán, tư vấn về nông nghiệp” sẽ giải đáp những khó khăn mà người dân gặp phải hiện nay.
Đó là dự án khởi nghiệp của hai sinh viên Lê Anh Tuấn và Trần Công Minh (khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế).
Khởi nghiệp từ nông nghiệp
Chia sẻ về ý tưởng, bạn Lê Anh Tuấn (trưởng nhóm) cho biết, hiện nay, phương tiện truyền thông, Internet ngày càng phát triển mạnh mẽ, tiếp xúc với người dân ngày một nhiều. Tuy nhiên, các em nhận thấy chưa có một website hoặc mạng xã hội nào chuyên tư vấn trực tuyến về nông nghiệp, giải đáp những thắc mắc của người dân như bệnh và cách điều trị, khẩu phần ăn, cách trồng rau sạch mô hình đô thị…
“Từ đó, chúng em nghĩ ra một trang web, một địa chỉ đáng tin cậy để giải đáp những khó khăn của người dân hiện nay, tạo ra một môi trường giúp người dân đến gần hơn với các sản phẩm chất lượng của các công ty liên kết với mình”, Anh Tuấn chia sẻ.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng được hệ thống kiến thức nông nghiệp trực tuyến, hệ thống tương tác trực tuyến và có thể thu hoa hồng từ việc liên kết, quảng bá, bán sản phẩm cho các công ty, các sản phẩm sáng tạo khoa học từ nông nghiệp.
Theo tìm hiểu, đây là hệ thống kiến thức nông nghiệp và tương tác trực tuyến, dự án sẽ liên kết kho dữ liệu về kiến thức nông nghiệp, các kỹ sư và nông dân để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khi truy cập vào trang web này, người dân có thể học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm và yêu cầu sự giúp đỡ, tư vấn các phương pháp, giải pháp nông nghiệp từ các chuyên gia hàng đầu, các nhà sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp.
Nếu có nhu cầu, người dân có thể mua các sản phẩm từ nông nghiệp tại đây sau khi được tư vấn.
Đó là các mặt hàng nông nghiệp như thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống nông nghiệp… giúp đem lại lợi nhuận khá cao trong thời buổi hiện nay.
Yêu cầu của dự án này cần đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực kinh doanh của công ty như chăn nuôi thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật. Đó cũng là thành phần, yếu tố cơ bản đặt nền móng cho hình thức khởi nghiệp này.
Công Minh cho biết: “Là sinh viên học về nông nghiệp, chúng em có những thuận lợi như tự tay giải quyết được các vấn đề khách hàng, tư vấn liên quan tới chuyên ngành. Qua đó, cũng giúp nâng cao trình độ chuyên ngành cho bản thân”.
Một địa chỉ đáng tin cậy cho người dân
Theo đó, việc sử dụng rất đơn giản, người dùng chỉ cần truy cập vào trang web, chọn mục Liên hệ rồi gõ nội dung cần tư vấn hoặc gọi điện thoại để được tư vấn trực tiếp.
Ngoài ra, còn có mục Cẩm nang giúp người dùng có thể tìm hiểu các mô hình nông nghiệp hiện đại, cách trị bệnh, lập khẩu phần thức ăn do nhóm soạn, viết và sưu tầm. Và đọc các tin nông nghiệp thông qua mục tin tức.
Anh Tuấn trình bày: “Ví dụ người dân muốn có một trang trại nhỏ (heo, bò, rau sạch…) sẽ được tư vấn, hỗ trợ trực tuyến về mô hình trang trại, cách điều trị bệnh, khẩu phần thức ăn hoặc mô hình trồng rau tiện lợi tại nhà chỉ đơn giản với mấy cú kích chuột”.
Dự án áp dụng cho các chủ hộ chăn nuôi, trồng trọt vừa và nhỏ trong cả nước với phạm vi là thực hiện xây dựng và quản lý trang web ở văn phòng, tư vấn và giới thiệu sản phẩm thông qua hệ thống đăng ký ở website.
Dự án này có chi phí thấp, khả năng quản lý tự động cho phép truy xuất dữ liệu bất cứ lúc nào để kiểm tra, dễ dàng tiếp cận đối tượng khách hàng, hình thức trao đổi mua bán dễ dàng.
Ngoài ra, việc tư vấn miễn phí, chuyên sâu cho người dân, tạo nên hệ thống, thư viện kiến thức nông nghiệp trực tuyến giúp người dân tin tưởng truy cập web, giới thiệu nhiều hơn cho mọi người khác dùng kết hợp quảng cáo web giúp cho lượng truy cập ngày một nhiều thêm.
Theo tìm hiểu, lợi ích mà dự án khởi nghiệp này mang lại giúp tiết kiệm chi phí do bán hàng trên mạng nên không tốn nhiều chi phí mở cửa hàng, mặt bằng… dễ dàng tiếp cận với mọi người hơn vì thiết kế website bán hàng chuẩn SEO thì trang web bán hàng dễ dàng nằm trên bảng xếp hạng Top 10 của các công cụ tìm kiếm. Do vậy, khi khách có nhu cầu sẽ tìm thấy trang web trên Google.
Nói về dự án, Công Minh cho hay: “Phương thức này không lạ với các mặt hàng lưu niệm, hàng công nghiệp. Tuy nhiên với kinh doanh nông nghiệp thì còn mới mẻ. Giúp tăng doanh thu, tạo nên uy tín cho công ty, cửa hàng. Hiện nay, các web kiểu này không nhiều”.
Dự án cũng tích hợp sẵn công cụ quảng cáo trên Fanpage, tích hợp các công cụ hỗ trợ Marketing online trên website giúp cho trang web được xuất hiện rộng rãi và tiếp cận được lượng lớn khách hàng.
Theo Anh Tuấn và Công Minh, nông nghiệp trực tuyến là một phương thức giúp doanh số bán hàng tăng lên, một cổng thông tin uy tín cho người nông dân. Đó cũng là phương thức khởi nghiệp cho những kỹ sư tương lai của Đại học Nông lâm Huế, hiện đại hóa, đổi mới trong cách kinh doanh với nông nghiệp.
Tuy nhiên, dự án này cũng gặp không ít thách thức, khách hàng không được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm nên ban đầu cần thời gian để tạo niềm tin với khách hàng, quảng cáo, tiếp cận với khách hàng.
Vừa qua, dự án hai bạn đã thu hút nhiều sự quan tâm của Ban tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp từ nông nghiệp 2017 do trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức, bởi dự án mang lại có nhiều lợi ích.
Được biết, dự án trên đã đạt giải Ba tại cuộc thi Khởi nghiệp từ nông nghiệp 2017.
Theo khampha
Tin khác đã đăng
- Dự án Merculet (MVP)- Hệ sinh thái phân phối giá trị cho người dùng Internet 19-04-2018 PM
- Ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh hay cho người yêu thích nuôi trồng 16-04-2018 PM
- Hiệu quả bất ngờ từ trồng nấm bằng bông thải tái sử dụng 27-02-2018 AM
- Khởi nghiệp bằng dự án bán những bức ảnh tuyệt đẹp về Trái Đất 27-02-2018 AM
- 7 dự án khởi nghiệp tham gia ươm tạo khóa 4 23-11-2017 AM