Đưa ẩm thực Lào đến phố núi

​Một nhóm 8 bạn lưu học sinh Lào ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng mở quán ăn “Laos food” để khởi nghiệp. Quán ăn nhỏ với các món truyền thống, phổ biến bên đất nước Lào đang tạo cơ hội để các bạn trải nghiệm kinh doanh, phát triển các kỹ năng mềm, đồng thời giới thiệu ẩm thực Lào đến với đất Việt nói chung và phố núi Kon Tum nói riêng.

​Một nhóm 8 bạn lưu học sinh Lào ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng mở quán ăn “Laos food” để khởi nghiệp. Quán ăn nhỏ với các món truyền thống, phổ biến bên đất nước Lào đang tạo cơ hội để các bạn trải nghiệm kinh doanh, phát triển các kỹ năng mềm, đồng thời giới thiệu ẩm thực Lào đến với đất Việt nói chung và phố núi Kon Tum nói riêng.

 “Thai nghén” từ tháng 12/2017, đến nay, ý tưởng khởi nghiệp “Laos food” đã được nhóm lưu học sinh Lào ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum thực hiện. Quán ăn “Laos food” trong khuôn viên cơ sở 2, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum là nơi đầu tiên trên mảnh đất Kon Tum bán ẩm thực Lào.

Khởi nghiệp trên đất Việt

Quán ăn “Laos food” – ý tưởng khởi nghiệp của 8 bạn lưu học sinh Lào khai trương cách đây không lâu. Tuy mới mẻ nhưng quán đã có được những vị khách là lưu học sinh Lào và sinh viên Việt đến thưởng thức.

Đứng quan sát, mới thấy sự năng động, trẻ trung, nhanh nhẹn của các bạn trẻ. Trong khuôn viên quán, các bạn thoăn thoắt, người bưng bê, bạn kê bàn ghế, người sơ chế, chế biến…

Quán ăn là niềm vui, giúp cả nhóm có thêm động lực học tập. Ảnh: B.A

Nhanh tay phục vụ xong cho một nhóm khách, Saiya Kone – nhóm trưởng vội vã đến bắt chuyện bằng tiếng Việt rành rọt: Giờ này đông khách quá nên các cô thông cảm đợi nhóm em một chút nhé!

Nắng dần tắt, khách vãn dần, các thành viên nữ lên danh sách thực phẩm cần mua rồi đi chợ chuẩn bị cho ngày mai. Các bạn nam phụ bưng bê, dọn rửa. Khi mọi việc ổn định, cả nhóm mới tranh thủ nghỉ ngơi, tiếp chuyện.

“Chưa quen với việc nên mệt lắm cô! Một thời gian nữa, chúng em sẽ sắp xếp thời gian hợp lý hơn” – Saiya Kone bộc bạch.

8 thành viên trong nhóm, chỉ có mỗi Saiya Kone là lưu học sinh Lào năm thứ 2, còn lại đều là năm nhất. Vì còn bỡ ngỡ, hơn nữa, lịch học khác nhau nên việc phân công công việc tại quán không dễ dàng.

“Tất cả cùng phụ nhau làm chứ nhóm em chưa có đầu bếp chính. Bạn nào có lịch học sáng thì phụ buổi chiều còn bạn nào có lịch học chiều thì bán vào buổi sáng. Lúc rảnh rỗi, cả nhóm cùng tập trung sơ chế. May là 4 bạn nữ, 2 bạn học sáng, 2 bạn học chiều nên mọi việc cũng ổn” – Saiya Kone cho biết.

Với phương châm: sạch sẽ, rẻ, ngon, hiện tại, các bạn phục vụ những món ăn đặc trưng, dễ làm, thường có trong mâm cơm bên nước Lào: khao phoun (bún Lào), ping ca (cá nướng), tam mi (nộm mì), lạp, khai ping (trứng nướng), tam ma hung (nộm đu đủ), ping eng (thịt nướng)… và thức uống với giá “sinh viên”.

“Ngoài bán nước đóng chai có sẵn, chúng em đang thu xếp, bán nước trái cây. Hiện tại, các thành viên đều đang cố gắng học nấu ăn để nấu đậm đà, đáp ứng nhu cầu của khách” – Lin Đa, thành viên nữ trong nhóm chia sẻ.

Vừa phục vụ, cả nhóm vừa tận tình lắng nghe ý kiến của khách, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. “Nhiều bạn khen nhưng cũng có bạn chê. Nhất là các bạn sinh viên Việt không ăn được món Lào do quá cay. Rút kinh nghiệm, với các bạn người Việt, chúng em sẽ điều chỉnh gia vị, để phù hợp khẩu vị. Đến nay, các bạn sinh viên Việt cũng giới thiệu bạn bè đến đây ăn” – Saiya Kone nói.

Bước đầu khởi nghiệp, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng các bạn đều cùng cố gắng. Vilay Phone - thành viên nam trong nhóm nói rằng: Việc học là quan trọng nhất, quán ăn này để chúng em trải nghiệm, giao lưu, học tiếng Việt tốt hơn… Cả nhóm cố gắng để sắp xếp việc bán thức ăn và học tập một cách hợp lý nhất.

Nhà trường – bạn đồng hành

Nhìn cách các bạn lên kế hoạch, quyết tâm thực hiện, có mấy ai biết rằng, hầu hết các thành viên trong nhóm từng rất mơ hồ về khởi nghiệp.

Quán Laos Food phục vụ cho nhiều lưu học sinh Lào. Ảnh: B.A

Năn Thạ Na – lưu học sinh năm nhất, thành viên trong nhóm thẳng thắn: Các thành viên đều học các ngành về kinh tế nhưng mới đầu chúng em hầu như chưa biết nhiều về khởi nghiệp. Sau này, được hướng dẫn, tìm hiểu, chúng em mới hiểu rõ hơn.

Vậy các em bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp như thế nào? – chúng tôi hỏi.

Cả nhóm cười: Bắt đầu từ Cuộc thi Sinh viên UDCK (viết tắt từ The University of Danang – Campus in Kon Tum -  Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum) tìm hiểu về khởi nghiệp do nhà trường tổ chức vào cuối năm 2017.

“Thời điểm đó, các em bỡ ngỡ lắm! Vì mong muốn các lưu học sinh Lào thể hiện sự tự tin, phát triển kỹ năng mềm, ý tưởng sáng tạo cũng như mạnh dạn trong giao tiếp, chúng tôi đã động viên các em tham gia” – cô Đinh Thị Thanh - cán bộ quản lý lưu học sinh Lào, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum chia sẻ.

Tham gia cuộc thi, cả nhóm phân công rõ ràng: nhóm trưởng, nhóm phó, quản lý tài chính, phụ trách truyền thông… Mỗi người đảm nhận, thực hiện tốt nhiệm vụ và cùng chung tay tìm hiểu để nắm rõ về khởi nghiệp. Cuộc thi đó, cả nhóm đạt giải Ba.

Sau cuộc thi, hiểu hơn về khởi nghiệp, các bạn bàn bạc, bắt đầu lên các ý tưởng. “Ở Kon Tum không có quán thức ăn Lào nào. Bởi vậy, để phục vụ cho việc ăn uống hàng ngày, chúng em phải tự đi chợ, nấu nướng… mất rất nhiều thời gian. Lúc đó, một thành viên lóe ra ý tưởng: mở quán Laos food, vừa phục vụ nhu cầu của bản thân, vừa kinh doanh và giới thiệu văn hóa ẩm thực nước Lào đến với đất Việt. Ý tưởng đó hay, thiết thực, được cả nhóm “duyệt” – Saiya Kone nói.

Trước ý tưởng độc đáo, hợp lý, cô Thanh đã trình bày với nhà trường. “Nhà trường yêu cầu cả nhóm phải viết ý tưởng cụ thể, nếu thiết thực, hợp lý, nhà trường sẽ xem xét và hỗ trợ kịp thời” – cô Thanh chia sẻ.

Ngay thời điểm đó, Đại học Kinh tế Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng) tổ chức cuộc thi Startup runway 2018. Được động viên, các em viết, hoàn thiện ý tưởng, mạnh dạn tham gia. “Trong suốt quá trình tham gia cuộc thi, chúng em luôn ấp ủ và quyết thực hiện” – Saiya Kone nói.

Trở về sau vòng loại, trong khi đang đợi kết quả, thấy cả nhóm quyết tâm cao, nhà trường đã hỗ trợ các em về mặt bằng tại cơ sở 2 (nơi có kí túc xá cho sinh viên quốc tế), bàn ghế, nhà kho…, hỗ trợ điện nước thời gian đầu.

Cùng với đó, cô Thanh luôn đồng hành, hướng dẫn, cùng các em bàn bạc, thực hiện. “Vì chưa có vốn nên ban đầu mỗi thành viên góp 1 triệu đồng để mua các vật dụng cần thiết. Trong đợt Tết Bun Pi May Lào, khi về nước, chúng em phân công nhau mua các thực phẩm khô đặc trưng cũng như các vật dụng nấu ăn cần thiết” – Saiya Kone cho biết.

Từ nhỏ đến lớn, cậu ấm Kita, lưu học sinh Lào năm nhất chưa từng đụng tay vào bếp hay làm việc nặng, vậy mà nay, khi tham gia vào nhóm, cậu chủ động xếp bàn, đi chợ, nhặt rau, làm tất cả mọi việc gọn gàng.

“Được thực hiện ý tưởng, được giới thiệu ẩm thực Lào đến với đất Việt, chúng em rất vui. Dù mệt nhưng nhờ đó, chúng em hiểu được giá trị của sức lao động, của đồng tiền. Sắp tới, khi mọi việc ổn định hơn, chúng em sẽ lên kế hoạch, làm bài bản hơn” – Kita cho hay.

Quán ăn mở đều đặn. Ngoài việc phục vụ nhu cầu cho 151 lưu học sinh Lào đang học tại Phân hiệu, quán ăn còn trở thành điểm đến của những lưu học sinh Lào từ các trường khác. Không chỉ vậy, nhiều bạn sinh viên Việt Nam cũng đến thưởng thức, khám phá ẩm thực Lào qua bàn tay của những lưu học sinh trẻ.  

Khởi nghiệp từ điểm khác biệt, các bạn đang dần chứng tỏ mình dám nghĩ, dám làm. “Khởi nghiệp trên nước bạn dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều lợi thế. Từ khi mở quán, chúng em tự học được nhiều bài học về kinh doanh, quản lý tài chính cũng như nắm bắt nhu cầu của khách hàng… Đó là tiền đề để sau này chúng em tiếp tục phát triển” – Saiya Kone khẳng định.

Theo http://www.baokontum.com.vn

Tin khác đã đăng