Những sinh viên Lào mang khát vọng khởi nghiệp trên đất Việt

Những du học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam cũng cháy bỏng khát khao được khởi nghiệp, mang những giá trị ẩm thực của đất nước đến bạn bè khắp năm châu.

Lặn lội từ KonTum về Đà Nẵng, nhiều ngày qua, nhóm bạn Saiyakone của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kontum đã lên kế hoạch, hoàn thành ý tưởng để tham dự cuộc thi “Startup Runway 2018” do trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng tổ chức vào tháng 6 tới.

Mang ẩm thực Lào đi khởi nghiệp

Dự án khởi nghiệp mang tên Laofood (món ăn Lào) của các thành viên: Linda (ngành Ngân hàng), Kichie (Luật kinh tế), Vilason Saiyakone (Kế toán) đã xuất sắc lọt qua các dự án khác để tham gia workshop giai đoạn 2.

https://baomoi-photo-1-td.zadn.vn/w700_r1/18/04/10/205/25602303/1_55618.jpg

Vilason Saiyakone (áo trắng ở giữa) cùng các bạn thảo luận về dự án khởi nghiệp đưa âm thực Lào kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: TT

Sang học tập và sinh sống tại Việt Nam từ đầu năm 2015, đội trưởng Saiyakone nói tiếng Việt khá sành sõi.

Cậu du học sinh Lào tâm sự rằng có tình cảm đặc biệt với thành phố biển Đà Nẵng, bởi nó là biểu trưng cho một Việt Nam đang phát triển năng động, hội nhập.

Từ sự yêu mến đó, Saiyakone đã ấp ủ một dự án khởi nghiệp ngay trên mảnh đất này.

“Mình thấy cơ hội kinh doanh ở Việt Nam rất tốt. Ở đây, có rất nhiều quán ăn nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng với đất nước Lào, một hàng xóm ngay bên cạnh thì vẫn chưa có các nhà hàng kiểu Lào. Và tụi em muốn khai thác thị trường này”.

Linda chia sẻ thêm, ẩm thực Lào có những đặc trưng riêng biệt, mang nhiều hương vị lạ, dân dã khó lẫn với các quốc gia khác.

Khi đến Lào, bạn không thể nào bỏ qua những món ăn truyền thống của xứ sở Triệu Voi như: Phở Lào, Khausoy, Lạp, xôi Lào…

“Ở Đà Nẵng có hàng ngàn sinh viên Lào đang học tập và khách hàng tụi em hướng đến là họ.

Ngoài ra, còn có những người Việt Nam hay khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng muốn khám phá ẩm thực Lào”, Linda nói.

Để thuyết phục được Ban tổ chức cuộc thi khởi nghiệp thì nhóm của Linda phải đưa ra tính thực tiễn của dự án.

“Nguồn thực phẩm có thể mang từ Lào sang hoặc các món ăn có sẵn ở Việt Nam nhưng được đầu bếp chế biến theo phong cách Lào. Ban đầu, sẽ làm ở Kontum, sau đó mới đưa về Đà Nẵng.

Dự án có khả năng thực tiễn rất cao vì vốn đầu tư ban đầu cũng không quá lớn. Ngoài ra, việc ship (chuyển hàng) đến tận tay khách hàng cũng là một lợi thế của nhóm chúng em”, Linda chia sẻ.

Dù thuyết trình bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, nhóm của Linda cũng hoàn thành một cách xuất sắc với sự vỗ tay tán thưởng của các đội khởi nghiệpViệt Nam.

Bị thuyết phục bởi phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam

Nhận xét về chương trình khởi nghiệp của người Việt, Saiyakone nói ngưỡng mộ: “Người Việt Nam có ý thức cao về khởi nghiệp và nhiều doanh nhân trẻ đã thành công trên con đường kinh doanh. Chúng em rất muốn học hỏi họ và xem họ như là một hình mẫu để khởi nghiệp”.

Saiyakone chia sẻ thêm, hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà người đứng đầu Chính phủ (Thủ tướng) lại đứng ra kêu gọi ủng hộ phong trào khởi nghiệp.

Nhiều quỹ khởi nghiệp đã được thành lập để hỗ trợ cho các bạn trẻ, sinh viên trên chặng đường “khởi đầu nan”.

“Ở Lào, bạn rất ít khi nghe đến chuyện khởi nghiệp. Đa số là người nước ngoài vào đầu tư, khai thác các thế mạnh về tài nguyên, du lịch.

Còn các kênh thông tin về khởi nghiệp rất ít và Chính phủ cũng ít quan tâm đến vấn đề này”, Saiyakone nói.

Trên chặng hành trình chinh phục “Startup Runway 2018”, nhóm Saiyakone đã được các giảng viên, chuyên gia của Đại học Đà Nẵng hỗ trợ nhiệt tình.

“Các thầy cô hỗ trợ hướng dẫn viên, hướng dẫn cách kinh doanh. Ngoài ra, nhà trường còn mời các chuyên gia khởi nghiệp đến từ Ai-Len về giảng dạy, tổ chức các buổi nói chuyện, bàn thảo về dự án kinh doanh.

Nếu không thể giành chiến thắng trong cuộc thi này thì cả nhóm cũng có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm để đưa LaoFood có thể phát triển được ở Việt Nam”, Saiyakone cho biết.

Tấn Tài - Theo baomoi.com

Tin khác đã đăng