Sinh viên UD-CK học cách khám phá bản thân khi tham gia chương trình Mùa hè khởi nghiệp

Trong 04 ngày, từ 05/09 đến 08/09, tại Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum, gần 50 sinh viên UD-CK đã rất hào hứng và nhiệt tình tham gia chương trình Mùa hè Khởi nghiệp do Khoa Kinh tế tổ chức.

Mùa hè khởi nghiệp là chương trình thường niên được tổ chức vào mỗi mùa hè nhằm khơi gợi tinh thần khởi nghiệp cũng như giúp sinh viên tham gia định hướng và xây dựng được các chiến lược khởi nghiệp phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Năm 2019, Mùa hè khởi nghiệp được thực hiện với chủ đề “Sinh viên UD-CK hành động vì cộng đồng”. Chương trình bắt đầu đăng ký từ tháng 08/2019 và chính thức diễn ra vào sáng ngày 05/09.

Phát biểu khai mạc chương trình, ThS. Nguyễn Tố Như, Phó giám đốc Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum nhấn mạnh rằng mục tiêu của chương trình là nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp, cách hình thành và phát triển các ý tưởng; Chương trình cũng tạo cơ hội cho các bạn được gặp gỡ các doanh nhân thành đạt trên địa bàn Tỉnh, đồng thời được tham quan trực tiếp các mô hình kinh doanh tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Gia Lai…;

 

ThS. Nguyễn Tố Như, Phó giám đốc Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum phát biểu khai mạc chương trình

 

Chương trình được dẫn dắt bởi đội ngũ giảng viên trẻ và tâm huyết của Khoa Kinh tế. Do đó, trong 04 ngày học tập và trải nghiệm, các bạn sinh viên đã trải qua rất nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực như Các hoạt động kết nối sinh viên; Hành trình học tập: Tôi – Bản sắc văn hóa và tôi; Tôi và bạn – Đối thoại trong môi trường đa văn hóa; Chúng ta – cùng nhau gắn kết các cộng đồng địa phương và toàn cầu; Lập kế hoạch triển khai các sự án hành động vì xã hội; Giới thiệu về tư duy khởi nghiệp; Giới thiệu mô hình thiết kế giải pháp giá trị; Giới thiệu một số mô hình kinh doanh đổi mới và sáng tạo; Đề ra hướng phát triển cho các dự án khả thi. Khi tham gia các hoạt động này, mỗi bạn sinh viên đều được tự mình chỉ ra cách ý kiến, suy nghĩ của bản thân về những kỹ năng, năng lực mình vốn có, những điều các bạn muốn học hỏi, hướng đến và cả những điều các bạn sẽ ưu tiên cho những kế hoạch của mình. Từ đó, các giảng viên dẫn dắt sẽ giúp các bạn hình thành những tư duy tích cực, cách kết nối với cộng đồng, mọi người xung quanh và cách để thể hiện ý tưởng của mình một cách tốt nhất, gần gũi nhất và có tính khả thi cao nhất.

 

 

Trong nhiều hoạt động, các bạn sẽ làm việc theo nhóm, trình bày suy nghĩ và tư duy cá nhân kết hợp với các bạn cùng nhóm để xây dựng những mô hình khởi nghiệp, xác định được quy mô, đối tác, lực lượng lao động, quy trình sản xuất, phân phối, giá thành, đối tượng khách hàng; cách huy động nguồn vốn…

Đặc biệt, sau mỗi ngày trải nghiệm, các bạn sinh viên được BTC phát 03 tờ giấy, ở đó các bạn sẽ ghi chú 03 nội dung: Những điều học hỏi, tích lũy được; Những điều vẫn còn thắc mắc, muốn tìm hiểu; Những điều mà bản thân nghĩ rằng không cần thiết, phải loại bỏ trong tư duy, hành động. Mỗi tờ giấy sẽ được dán vào các ô: Ba lô, máy giặt, thùng rác. Thông qua những câu trả lời này, BTC sẽ tổng hợp, từ đó sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển chương trình với nhiều nội dung mới mẻ, sáng tạo hơn để các bạn sinh viên được tiếp cận nhiều nhất những thông tin mà các bạn mong muốn.

Trong ngày đầu tiên học tập, các bạn được PGS. TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum ghé thăm và “truyền lửa” qua những câu chuyện khởi nghiệp và con đường đi đến thành công từ chính trải nghiệm của bản thân Thầy cùng những người bạn, doanh nhân thành đạt khác. PGS. TS Đặng Văn Mỹ mong muốn rằng ngay khi còn là sinh viên các bạn đã nung nấu những ý tưởng khởi nghiệp. Sau đó là quá trình không ngừng học hỏi, tìm tòi để xác định hướng phát triển cho các ý tưởng; Bên cạnh đó, Nhà trường và các cơ sở ban ngành của địa phương cũng sẽ luôn theo sát và sẽ có những số vốn nhất định để đầu tư cho những dự án khởi nghiệp có tính khả thi và ứng dụng cao. Do đó, thông qua chương trình này, Nhà trường mong muốn các bạn sinh viên sau khi tham gia sẽ tự tin và bản lĩnh hơn để khám phá và tìm thấy được những năng lực của bản thân để mạnh dạn hình thành và phát triển nhiều ý tưởng khởi nghiệp thiết thực và thành công.

 

 

PGS. TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum ghé thăm và chia sẻ tại chương trình

 

Nhằm giúp sinh viên có cái nhìn thực tế và tổng quan hơn về sự hình thành, phát triển của doanh nghiệp; cách xây dựng thương hiệu cũng như đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, sáng ngày 06/09 BTC đã đưa các bạn đến tham quan và học hỏi các mô hình kinh doanh tại địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điểm đến là Công ty sản xuất và chế biến cà phê Nguyên Huy Hùng, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô (Huyện Đăk Hà) và Nông trại đô thị Smile Farm (TP.Kon Tum). Tại mỗi doanh nghiệp, các sinh viên được lắng nghe rất nhiều những chia sẻ từ lãnh đạo và chuyên viên về những hoạt động, quy trình sản xuất và phân phối của doanh nghiệp. Đồng thời cũng nắm được nhu cầu thị trường về các mặt hàng cà phê, rau sạch, thực phẩm hữu cơ… Từ đó, giúp các bạn nhận định cũng như đưa ra được những định hướng cá nhân để hình thành nên những ý tưởng khởi nghiệp phù hợp.

Ngày 07/09 các bạn cũng được đi tham quan và học hỏi thực tế mô hình trồng trọt và sản xuất, phân phối của tại Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú và Công ty dinh dưỡng Nutifood Cao Nguyên – Khu công nghiệp Trà Đa – Tỉnh Gia Lai. Trong chuyến đi thực tế, các bạn đã được mở mang rất nhiều kiến thức về quá trình hình thành và cơ cấu tổ chức của một doanh nghiệp; Ngoài ra, còn được chia sẻ, trao đổi học hỏi các kiến thức liên quan đến quy trình việc, cách thức vận hành dây chuyền sản xuất, các khía cạnh liên quan đến công tác quản lí và sản xuất thực tế tại công ty dưới sự hướng dẫn, giới thiệu nhiệt tình của đại diện các doanh nghiệp. BTC chương trình hy vọng qua những hoạt động thực tế mang nhiều ý nghĩa này sẽ giúp các bạn sinh viên sẽ tích luỹ thêm nhiều kiến thức trong quá trình học tập đồng thời có thêm những định hướng mới mẻ, sáng tạo trong việc xây dựng các ý tưởng lập nghiệp trong tương lai.

 

Tham quan và học hỏi các mô hình kinh doanh tại địa bàn tỉnh Kon Tum

 

Trong ngày cuối cùng của chương trình, BTC đã mang đến bất ngờ cho các bạn khi tổ chức chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ với các Shark là các giảng viên trong khoa Kinh tế và khách mời đặc biệt là anh Lã Chí An, hiện đang giữ chức vụ Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Kon Tum. Anh An đồng thời cũng là ông chủ của Toki Homestay tại Măng Đen và Quán Cà phê Gác Măng Rê  tại TP. Kon Tum.

Các nhóm đã lần lượt trình bày các mô hình kinh doanh, chiến lược phát triển và kêu gọi vốn từ các Shark. Với những điều đã được học hỏi và tích lũy sau 04 ngày tham gia chương trình, rất nhiều lĩnh vực đã được các nhóm chọn khởi nghiệp như: App cung ứng rau sạch; Xây dựng khu vui chơi tổng hợp; Phát triển và phân phối các thiết bị công nghệ kết nối; Tổ chức các tour du lịch….

Các mô hình kinh doanh, chiến lược phát triển của các nhóm sinh viên

 

Các nhóm trình bày các mô hình kinh doanh, chiến lược phát triển và kêu gọi vốn từ các Shark

Cũng tại đây, các bạn được nghe anh Lã Chí An chia sẻ những kinh nghiệm về kinh doanh, cách hình thành các ý tưởng khởi nghiệp từ các nguồn vốn khác nhau, các định hướng khách hàng cũng như xác định khách hàng mục tiêu…

Như vậy, sau 04 ngày học tập và trải nghiệm, chương trình đã mang đến cho các bạn rất nhiều kiến thức bổ ích và thiết thực. Đồng thời cũng các bạn giúp tích lũy rất nhiều kỹ năng về làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện; các kỹ năng về tư duy, xác định các mục tiêu ưu tiên, cách xây dựng kế hoạch và chiến lược cho từng hoạt động; Khám phá được năng lực của bản thân, phát huy các kỹ năng vốn có…

BTC chương trình cũng hy vọng rằng, sau khi tham gia các bạn sẽ năng động, tự tin hơn, đồng thời cũng luôn nỗ lực, học hỏi không ngừng để phát triển bản thân, mạnh dạn đề xuất và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp để đi đến những thành công nhất định trong tương lai.

Tin khác đã đăng