Tọa đàm hỗ trợ khởi nghiệp: Nhà trường là mắt xích quan trọng trong định hướng khởi nghiệp

Nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng và tạo môi trường trong việc tìm kiếm và phát triển những ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên, ngày 30/3, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã kết hợp với Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và chương trình đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) tổ chức buổi tọa đàm “Hỗ trợ khởi nghiệp” cho gần 500 sinh viên UD-CK.

Nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng và tạo môi trường trong việc tìm kiếm và phát triển những ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên, ngày 30/3, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã kết hợp với Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và chương trình đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) tổ chức buổi tọa đàm “Hỗ trợ khởi nghiệp” cho gần 500 sinh viên UD-CK.

Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, Giai đoạn 2 (IPP2) là một Chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) được đồng tài trợ bởi chính phủ Việt Nam và chính phủ Phần Lan. IPP hiện đang triển khai giai đoạn 2 (IPP2) từ năm 2014 đến 2018 với tổng ngân sách là 11 triệu euro. IPP hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành một nền kinh tế tri thức được tiên phong bởi sự đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của IPP là thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững thông qua việc hỗ trợ nhân rộng các hoạt động đổi mới sáng tạo, đào tạo nâng cao chất lượng của các trường đại học,  tài trợ các khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng cao và kết nối Việt Nam với các cơ hội kinh doanh toàn cầu.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các lãnh đạo tỉnh Kon Tum gồm ông Nguyễn Đình Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển, ông Huỳnh Thanh Tú, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Tư vấn kinh doanh Hoàng Nguyên Bách.

Các lãnh đạo tỉnh Kon Tum và khách mời

Về phía Đại học Đà Nẵng có sự góp mặt của PGS.TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, TS. Phạm Anh Đức, Trưởng khoa Quản lý dự án, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Cùng với sự có mặt của diễn giả Andy Amir, người đã đồng hành với sinh viên UD-CK trong suốt 1 tuần qua nhằm giúp các bạn trau dồi kỹ năng Tiếng Anh.

Buổi tọa đàm cũng thu hút đông đảo sinh viên tham gia

Doanh nghiệp là cầu nối hỗ trợ các dự án khởi nghiệp

Bàn về vấn đề hỗ trợ của doanh nghiệp với các dự án khởi nghiệp trên địa bản tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Đình Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với vấn đề khởi nghiệp, nhà trường chính là mắt xích quan trọng. Đây chính là môi trường thuận lợi để giúp khơi gợi tinh thần khởi nghiệp, đề xuất các ý tưởng sáng tạo, đổi mới cho sinh viên và thúc đẩy các em biến các ý tưởng thành hiện thực. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ là cầu nối, tạo điều kiện về các vấn đề chính sách, thành lập các doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ các vấn đề về thuế, đất đai… nhằm giúp hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  chia sẻ


Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển cũng chia sẻ rằng các bạn sinh viên có thể dựa vào những lợi thế của địa phương, gia đình và cùng phối hợp với sự cố vấn từ phía nhà trường để xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp. Đối với những ý tưởng mang tính khả thi cao, Quỹ Đầu tư phát triển sẽ mời lên trình bày. Từ đó, tùy vào lĩnh vực khởi nghiệp, tỉnh sẽ yêu cầu các cơ quan chuyên ngành tư vấn thêm để ý tưởng được hoàn thiện. Sau đó, sẽ có hội đồng tư vấn của tỉnh chấm điểm, những ý tưởng đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy khởi nghiệp.

 

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc sở Đầu tư phát triển chia sẻ


Quỹ Đầu tư phát triển cũng sẽ thành lập tổ tư vấn để làm việc với các sở, ngành trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp về các mặt như: Vốn, địa điểm, nhân lực. Đồng thời sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ quỹ khởi nghiệp nhằm tạo việc làm cho nhiều nguồn lao động. Hiện nay Sở có mức đầu tư dưới 100 triệu đồng/ dự án và mức trên 100 triệu đồng do hệ thống tổ chức tín dụng hỗ trợ thêm.


Muốn khởi nghiệp cần nhận diện được nhu cầu bản thân muốn thỏa mãn


Nói về việc tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới, PSG.TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phải nhận diện được nhu cầu bản thân muốn thỏa mãn và phải đánh giá được mức độ của nhu cầu đó. Từ đó, sẽ hình thành các ý tưởng và đưa ra được các dịch vụ phục vụ khách hàng tốt hơn về chất lượng, chi phí, cách phục vụ…

 

PSG.TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum nhấn mạnh 

Đây cũng điều được ông Andy Amir, doanh nhân đến từ Mỹ đồng tình. Ông cho biết hiện nay ở Mỹ nhiều cá nhân khởi nghiệp thành công bởi họ hướng đến một nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng. Họ nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và đưa ra các giải pháp chi tiết, cụ thể để làm hài lòng đối tượng khách hàng, từ đó mở rộng thị trường và thúc đẩy sự tăng trưởng.

Ông Andy Amir, doanh nhân đến từ Mỹ chia sẻ

Ông Andy cũng chia sẻ, trong 1 tuần ở tại Kon Tum, tiếp xúc với nhiều đối tượng từ sinh viên đến người dân và các dân tộc anh em đang sinh sống tại địa phương, ông nhận thấy Kon Tum có thế mạnh về con người hiền lành, chất phát, đa văn hóa từ các dân tộc, môi trường trong lành, thiên nhiên hùng vĩ… Ông gợi ý rằng đây chính là lợi thế để mọi người có thể thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp về Du lịch sinh thái, kết hợp du lịch với việc khám phá thiên nhiên, văn hóa vùng bản địa.

Ông Andy trao học bổng động viên tinh thần cho các em sinh viên 

Cũng trong buổi tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Tú, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Tư vấn kinh doanh Hoàng Nguyên Bách đã trực tiếp trao đổi với ông Andy khi muốn đưa mặt hàng Sâm Ngọc Linh, vốn rất nổi tiếng của tỉnh Kon Tum sang thị trường Mỹ. Ông Hùng cũng tạo cơ hội khởi nghiệp cho các bạn sinh viên khi “đặt hàng”  các bạn tìm nguồn Sâm Ngọc Linh, Mật ong Tu-mơ-rông… đảm bảo về chất lượng để đưa sản phẩm của Kon Tum đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Các em sinh viên tham gia đóng góp ý kiến

PGS.TS Đặng Văn Mỹ cũng cho biết trong thời gian tới nhà trường sẽ hình thành các nhóm nghiên cứu về du lịch sinh thái, Sâm Ngọc Linh và các ý tưởng khởi nghiệp mà khách mời đề xuất. Đồng thời tạo ra các không gian làm việc, nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp thích hợp để tạo điều kiện cho các bạn sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp. Các giảng viên trong nhà trường ngoài nhiệm vụ giảng viên cũng sẽ là những cố vấn, hỗ trợ cho các em. Mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp để tạo điều kiện thu hút vốn hỗ trợ và tạo thuận lợi cho sinh viên thực tập, kiến tập…

Khởi nghiệp là có trách nhiệm với xã hội

Vào buổi chiều cùng ngày, TS. Phạm Anh Đức, Trưởng khoa Quản lý dự án, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cùng với các giảng viên và sinh viên đại diện đến từ Đại học Đà Nẵng đã có buổi trò chuyện với sinh viên UD-CK về cách tư duy sáng tạo, đổi mới trong việc xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp.

TS. Phạm Anh Đức, Trưởng khoa Quản lý dự án, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ

Trong đó, các vấn đề được chú trọng là muốn khởi nghiệp thì bản thân người khởi nghiệp/nhóm khởi nghiệp phải có kiến thức nền tảng vững chắc về lĩnh vực mình muốn tham gia. Phải có cường độ làm việc chăm chỉ, liên tục và có sự đầu tư về nghiên cứu, tìm hiểu. Bên cạnh đó, dự án khởi nghiệp cũng phải mang tính thực thi để khả năng thành công sẽ cao hơn.

Các giảng viên và sinh viên đại diện đến từ Đại học Đà Nẵng có những chia sẻ hết sức thiết thực và ý nghĩa


Để khởi nghiệp thành công, cũng cần xác định rõ ràng ba bước sau: Biết mình muốn cái gì;Tự tin mình có khả năng làm được và Đừng bao giờ từ bỏ. 

 

Khu trưng bày sản phẩm các dự án khởi nghiệp của sinh viên Phân hiệu và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng


Buổi tọa đàm đã giúp sinh viên UD-CK cùng các giảng viên tham gia chương trình đúc kết được rất nhiều bài học và kinh nghiệm khởi nghiệp. Cuối cùng, để nói về vấn đề khởi nghiệp, có thể gói gọn trong câu nói của ông Huỳnh Thanh Tú, chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Tư vấn kinh doanh Hoàng Nguyên Bách “Khởi nghiệp là có trách nhiệm với xã hội, sau đó xã hội sẽ đáp trả lại cho chúng ta những thành quả xứng đáng”. Hãy tận dụng những gì mình vốn có, dám chấp nhận thua lỗ, biết cách biến thất bại thành cơ hội và quan trọng nhất là luôn làm chủ cuộc đời của mình… là những bí quyết giúp những người có tinh thần khởi nghiệp có thể thành công với những ý tưởng sáng tạo, đổi mới của mình.

 

Đoàn tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp chụp hình lưu niệm với các em sinh viên

Tin khác đã đăng