Workshop Định Hướng Và Xây Dựng Ý Tưởng Khởi Nghiệp: “Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình”

Đừng bao giờ học tập, làm việc đơn độc một mình mà nên thường xuyên xây dựng các mối quan hệ, không ngừng giao lưu, học hỏi, nâng cao tư duy phản biện để phát hiện các ý tưởng khởi nghiệp mới lạ, sáng tạo

Chủ trì chương trình là PGS.TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum và Ths. Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc Phân hiệu. Chương trình thu hút hơn 400 sinh viên của trường tham gia cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà trường.

 

Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum


Rào cản khởi nghiệp không phải là vốn hay nguồn nhân lực


Khi nhắc đến khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong sinh viên, tầng lớp chưa tạo ra thu nhập, thì vấn đề lớn nhất khiến nhiều em e ngại trong việc bắt đầu xây dựng ý tưởng là “Vốn ở đâu và có ai để cùng thực hiện?”. 

Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Văn Mỹ khẳng định, trong thời đại hiện nay, đối với những ý tưởng khởi nghiệp, rào cản lớn nhất không phải là vốn và nguồn nhân lực mà chính là tinh thần khởi nghiệp. Nghĩa là muốn khởi nghiệp, đầu tiên các bạn phải tích cực tìm tòi, học hỏi để có kiến thức nền tảng về lĩnh vực đó và bạn phải có quyết tâm tự mình tạo nên thương hiệu cho mình. Khi bạn có đủ kiến thức về lĩnh vực mình tham gia khởi nghiệp và đầy đủ quyết tâm thì các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng cung cấp vốn và nguồn lao động trên thị trường sẵn sàng trở thành nhân viên của bạn. 

PGS.TS Đặng Văn Mỹ chia sẻ

Nếu là trong môi trường đại học, như ngay tại UD-CK, sinh viên nào có ý tưởng khởi nghiệp tốt, có tính thuyết phục và khả thi cao thì Trung tâm khởi nghiệp của nhà trường sẵn sàng cung cấp vốn, giới thiệu doanh nghiệp và hỗ trợ các em về các thiết bị, môi trường phù hợp để phát triển ý tưởng của mình.

Nói về cách xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, PGS.TS Đặng Văn Mỹ chia sẻ “Là sinh viên, đừng nên đến trường học xong rồi về”. Các em cần mạnh dạn và chủ động hơn trong việc mở rộng các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô trong lớp, trong khoa, trong trường. Trong quá trình học tập cũng đừng ngại đặt ra các vấn đề phản biện dành cho các giảng viên để từ đó có thể nâng cao tư duy phản biện cho bản thân, phát hiện được các ý tưởng mới, lạ. 

Đặc biệt là các mối quan hệ, giao lưu ngoài xã hội cũng nên mở rộng để có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với những người (doanh nhân trẻ, tấm gương khởi nghiệp), những môi trường (nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp…) có thể cung cấp những kiến thức mới mẻ, những ý tưởng sáng tạo, độc đáo.

Thường xuyên cập nhật tin tức qua báo đài, phát thanh, tivi và tập thói quen đọc sách, xem các chương trình khởi nghiệp cũng là một cách để tư duy và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.

Để giúp các em sinh viên trau dồi thêm nhiều kiến thức và có nhiều ý tưởng khởi nghiệp, trong năm 2018 UD-CK đã lên kế hoạch xây dựng các chương trình liên quan đến khởi nghiệp như: Nâng cao năng lực đội ngũ cho giảng viên bằng những khóa học, buổi chia sẻ để các thầy cô khơi gợi tinh thần khởi nghiệp cho chính sinh viên của mình; Kết nối mạng lưới khởi nghiệp bằng việc tìm hiểu về các chương trình khởi nghiệp do các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước tổ chức để đăng ký tham gia học hỏi; Đào tạo về khởi nghiệp như dạy về các kỹ năng, lọc dự án, tính toán các yếu tố để dự án thực hiện tốt; Tổ chức các hội thảo về khởi nghiệp; Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp về vốn, tập huấn, mời chuyên gia tư vấn…

Kỹ năng mềm: Yếu tố quan trọng giúp khởi nghiệp thành công

Chia sẻ tại buổi workshop, ThS. Nguyễn Tố Như nhấn mạnh, trường đại học là nơi có nhiều điều kiện cho “hệ sinh thái” khởi nghiệp phát triển gồm đối tượng muốn khởi nghiệp và hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp. Chính vì thế, nhiệm vụ của thầy cô và nhà trường là thay đổi tư duy “Ra trường xin việc gì, ở đâu?” thành “Cách để có thể tự tạo việc làm cho mình và nhiều người khác”. Để những tư duy này trở thành hiện thực thì bên cạnh sự ươm tạo, hình thành ý tưởng, sự hỗ trợ cần thiết từ phía nhà trường thì chính bản thân các em sinh viên, nguồn lực chính để xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp cũng cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết.

ThS. Nguyễn Tố Như khẳng định “Trang bị những kỹ năng mềm cần phải có là yếu tố quan trọng nhất giúp nhiều ý tưởng khởi nghiệp thành công”

ThS. Nguyễn Tố Như chia sẻ

Thứ nhất, kỹ năng giao tiếp: Đây không phải chỉ là trò chuyện mà là biết cách giao tiếp hiệu quả thông qua việc lắng nghe và chia sẻ, để học hỏi và tiếp nhận thông tin, “bán” cái mình có và “mua” cái mình cần bằng chính lời nói. Đối tượng giao tiếp cũng cần được mở rộng, không chỉ là những người thân, quen mà có thể là những người lạ mà mình có cơ hội tiếp xúc. Mỗi người chúng ta gặp đều có thể là những cơ hội trong tương lai.

Thứ hai, kỹ năng làm việc nhóm (Hỗ trợ cộng sự): Mỗi ý tưởng khởi nghiệp thường sẽ không thể nào thực hiện và hoàn thành chỉ với 1 cá nhân mà nó có thể là một nhóm, một tổ chức hoặc cần sự hỗ trợ từ các khoa, ngành, tổ chức khác. Chính vì thế, đây là kỹ năng rất quan trọng giúp mọi người hiểu được vai trò của nhau, hỗ trợ lẫn nhau, cùng góp sức để hiện thực hóa dự án.

Thứ ba, kỹ năng tư duy – phản biện – giải quyết vấn đề: Đừng ngại đặt ra cho bản thân những câu hỏi “Tại sao” và đi tìm những câu trả lời khác nhau để thuyết phục. Để rèn luyện kỹ năng này, các bạn sinh viên thực hiện ngay trong những buổi học với giảng viên, trong những buổi làm việc nhóm hay khi đọc sách, tìm tài liệu. Tự mình tìm ra những cách lý giải, giải quyết vấn đề mới sẽ kích thích khả năng tìm tòi, học hỏi và sáng tạo của bản thân.

Thứ tư, kỹ năng huấn luyện và hỗ trợ người khác: Đây cũng là một cách để học hỏi và nâng cao tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề. Giúp bản thân tìm ra sự đồng cảm, thấu hiểu và biết cách chia sẻ với người khác.

Giảng viên: Những người truyền cảm hứng

Khẳng định vai trò của giảng viên trong việc xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, ThS. Nguyễn Tố Như cũng đặt ra các nhiệm vụ cho những người “mở đường”.

Giảng viên phải là những người truyền cảm hứng, đam mê khởi nghiệp cho sinh viên. Giúp các em tự tin trong việc đề xuất các ý tưởng, mạnh dạn trong việc thực hiện khởi nghiệp và quan trọng đừng ngại thất bại. Theo thống kê về khởi nghiệp, chỉ có 2% số người thành công ngay từ lần thực hiện đầu tiên, 98% đều thất bại rồi mới tích lũy kinh nghiệm để thành công.

Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên bằng việc thay đổi chương trình giảng dạy, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong kiến thức, tạo cơ hội cho sinh viên cọ sát thực tế…

Các bạn sinh viên chăm chú lắng nghe những chia sẻ 

Tạo môi trường kết nối cho sinh viên như giữa sinh viên - giảng viên, sinh viên - cựu sinh viên, sinh viên - doanh nghiệp, sinh viên trong trường – ngoài trường, sinh viên – doanh nhân…

Giúp sinh viên có cơ hội kinh doanh trong thực tế bằng việc xây dựng các mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, tạo các mối quan hệ để trau đồi kinh nghiệm, học hỏi thực tế…

Cũng trong thời gian tới, các buổi workshop về khởi nghiệp sẽ trở thành chương trình thường niên hàng tuần với hy vọng sinh viên đang học tập tại UD-CK sẽ có nhiều kỹ năng, có nhiều dự án khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mang lại niềm tự hào không chỉ cho các em và còn cho cả nhà trường.

Một số hình ảnh khác:

 

Tin khác đã đăng